Thực hành giải thích kiến thức
"Hơn cả điểm số" - chuỗi các bài viết chia sẻ về thực hành ghi chú để xây dựng tri thức cho bản thân.
Học như nước đổ lá khoai
Khó khăn mình gặp phải khi học đại học là tìm cách xây dựng tri thức cho bản thân. Năm nhất đại học, mình được điểm cao lớp lịch sử Việt Nam. Bài cuối khóa cũng được chọn là bài tốt nhất. Nhưng chỉ vài tuần sau khi kỳ học kết thúc, mình đã quên gần hết kiến thức của môn này. Lúc đó, mình cố gắng đọc nhiều nhưng hiểu biết lại hời hợt - một dạng “bác học nửa mùa”, theo lời mô tả của học giả Nguyễn Duy Cần:
Hạng người "ngụy bác học" hay "ngụy trí thức" lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải trên đây: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là những hạng người "dở dở ương ương": cái gì cũng biết, nhưng biết không có cái gì thực biết. Đấy cũng là lối học ở nhà trường để đào tạo một hạng người "bác học nửa mùa".Sách gì họ cũng đọc...nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa.
Khi đi học, mình thường in bài đọc để highlight và ghi chú bên lề. Rồi khi nghe giảng, mình ghi chú trên máy tính một cách không có hệ thống. Đến cuối kỳ, tất cả tài liệu trở thành một mớ giấy ở góc phòng và rất khó để tìm kiếm và sử dụng lại. Một năm sau, mình đành ném tất cả đồng giấy đó vào thùng rác khi dọn nhà.
Với cách học như vậy, dù có kết quả học tập tốt thì việc học cứ như nước đổ lá khoai. Nó là một sự lãng phí tiền bạc và công sức của bản thân, gia đình và nhà trường. Tính trung bình, nếu không được hỗ trợ tài chính thì sinh viên trường Fulbright cần trả hơn 50 triệu cho mỗi môn học kéo dài trong 3 tháng. Mỗi một năm chúng mình học từ 8-10 môn với tổng chi phí là hơn 460 triệu đồng.
Mình quan tâm đến việc học (và chuyện tài chính). Mình không muốn lãng phí vốn kiến thức mình tiếp thu trên ghế nhà trường.
Vì vậy, mình muốn có hệ thống học tập giúp tận dụng công sức quá khứ - ví dụ như tìm lại được bài nghiên cứu mình đã đọc và tóm tắt cách đây 3 năm. Cùng với đó, mình cần tìm ra cách để lưu lại, đánh giá, đo lường, và giúp mình hiểu biết sâu sắc hơn về chủ đề học tập. Mình cần một hệ thống học tập “hơn cả điểm số”, giúp mình xây dựng tri thức cho bản thân.
"Hơn cả điểm số" - chuỗi các bài viết chia sẻ về thực hành ghi chú để xây dựng tri thức cá nhân. Trong bài viết này, mình muốn giới thiệu với bạn kỹ thuật ghi chú đầu tiên - thực hành giải thích kiến thức.
Hành trình xây dựng tri thức
Mình bắt đầu viết bài giải thích kiến thức từ tháng 04/2021 khi nghiên cứu về cách học và quản lý kiến thức. Ban đầu, bài viết của mình chỉ là các đoạn giải thích ngắn gọn. Thấm thoát gần 3 năm, mình đã vẽ được hơn 1000 hình minh họa và viết hơn 250 bài post. Các bài chia sẻ của mình dần có tính chuyên môn và đi kèm với dẫn chứng khoa học cụ thể (bạn có thể xem tại Facebook cá nhân).
Các bài viết giải thích (bao gồm cả bài bạn đang đọc) giúp mình hiểu rõ những gì mình đang học vì việc viết giúp suy nghĩ mạch lạc. Câu chữ giúp sắp xếp những suy tư lộn xộn thành đoạn văn cụ thể. Những ghi chú này còn là bằng chứng cho hành trình học tập và sự phát triển kiến thức chuyên ngành của mình.
Không chỉ dành cho việc tự học, thực hành tự giải thích cũng có thể áp dụng việc học ở trường.
Đây là hai sổ tay ghi chú những khái niệm chính của hai môn - khoa học (Scientific Inquiry) và ngôn ngữ học (Language culture and thought). Những ghi chú này giúp cụ thể hóa kiến thức và là nơi mình ôn tập cho bài kiểm tra.
Thực hành này còn giúp mình tái sử dụng lại những gì đã học. Hiện tại, mình đang là năm ba và học lớp phương pháp nghiên cứu (Research Method), mình sẽ mở lại những những gì đã học về cách làm nghiên cứu ở môn khoa học (Scientific Inquiry) đã học ở năm nhất.
Ngoài ra, việc tự giải thích giúp mình gạn lọc, tóm tắt và kết nối thông tin. Bạn có thể xem một ví dụ về ghi chú về môn Thiền (Mindfulness) tại Fulbright. Mình đã chắt lọc những ý quan trọng nhất của những tài liệu của thầy, kết hợp với những tài liệu mình đọc thêm và phản tư của mình để tự giải thích về khái niệm Engaged Buddhism - Đạo Phật đi vào cuộc đời.
Nhìn lại, thực hành giải thích đã giúp mình (1) hiểu sâu, suy nghĩ mạch lạc hơn, (2) tái sử dụng kiến thức đã học, (3) gạn lọc, tổng hợp hóa và kết nối thông tin, và (4) xây dựng bằng chứng cho hành trình học tập của bản thân.
Học thì dễ, hiểu thì khó
Tsundoku (tiếng Nhật: 積ん読, tạm dịch: chồng sách để đấy), mô tả thói quen mua nhiều sách mà không bao giờ động đến. Khi mình quan sát bản thân, mình thấy việc này đến từ thói quen luôn muốn tiêu thụ thông tin mới. Mình thích đi mua sách, tìm kiếm các podcast hay ho và bookmark bài viết thú vị trên mạng xã hội. Tuy nhiên, hành động lưu lại và sở hữu thông tin không giúp mình có thêm sự hiểu biết.
Việc học để hiểu có nhiều mức độ khác nhau. Phần lớn thời gian, mình chỉ mới dừng lại ở mức độ hiểu biết hời hợt:
Việc chỉ đọc sách, nghe giảng lướt qua thì việc xử lý thông tin dừng ở mức bề mặt.
Ngay cả khi mình đọc, highlight và ghi chú bên lề trang sách, việc xử lý thông tin sâu hơn một chút khi mình phải chọn lọc, xử lý thông tin, nhưng cũng chưa chắc là mình thực sự hiểu nó.
Thậm chí, khi mình xây dựng được một hệ thống quản lý kiến thức để tìm lại mọi mảnh thông tin. Hệ thống này chỉ giúp mình lưu trữ thông tin, nó cũng chẳng phải là cách học để hiểu
Học để hiểu đến từ thực hành tự giải thích. Giải thích giúp biến kiến thức thành của mình.
Học để hiểu, theo lý thuyết của học tập của Ausubel (1968) (Ausubel’s meaningful learning) xảy ra khi (1) người học tạo ra được các kết nối ý nghĩa giữa những thông tin mới và những gì đã biết và (2) người học tổ chức kiến thức một cách hệ thống.
Việc học tập ý nghĩa (Meaningful learning) khác việc học vẹt (Rote learning) ở điểm này. Học vẹt xảy ra khi người học không liên kết được điều mới học với kiến thức nền, cũng như kết cấu thông tin lỏng lẻo. Việc thiếu sự liên kết thường dẫn đến việc người học khó nhớ lại những gì mình học và hiểu biết hời hợt hơn. Bạn có thể tìm hiểu chi tiết tại đây.
Với mình và những sinh viên đã quen với việc dùng internet/ công nghệ, thách thức học trong thế kỷ 21 không còn là tiếp cận, hay xử lý và lưu trữ thông tin, mà là hiểu và kiến tạo ra tri thức. Thực hành tự giải thích giúp cho mình hiểu những gì đã học, để không trở thành “bác học nửa mùa”.
Cách để tự giải thích kiến thức
Đầu tiên, mình cần thời gian học chú tâm hằng ngày.
Hành trình học tập không bắt đầu bằng việc tìm sách của triết gia, nó được hiện thực bằng dành ra 30 phút mỗi ngày để tiêu hóa những gì mình đã học. Mình thường dành 10 phút sau mỗi lớp học để tóm tắt kiến thức. Sau khi nghe podcast, đọc sách, đọc nghiên cứu, mình cũng dành 10 phút để viết lại những gì mình hiểu. Mình dùng nhiều công cụ để ghi chú, tiện thì viết vào ra sổ tay hoặc đánh máy trên máy tính. Đôi khi mình lười, mình còn nói chuyện với di động của mình và dùng chức năng dictation để chuyển giọng nói thành văn bản.
Nếu bạn làm thực hành này, bạn có thể viết tất cả những gì bạn nhớ và hiểu về chủ đề một cách tự do (braindump). Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng một số câu hỏi hướng dẫn. Những câu hỏi gợi ý này được trích từ nghiên cứu của Tofade (2013), dựa theo thang Bloom (1956) để khuyến khích tư duy (higher level thinking).
Ngoài ra, mình còn hay viết các ghi chú khái niệm (concept note). Đầu tiên, mình sẽ xác định những khái niệm chính của chuyên ngành mình đang nghiên cứu. Sau đó, mình cố gắng giải thích theo cách hiểu của mình. Bạn có thể đọc thêm tại bài viết: cách biến kiến thức thành của mình.
Điều thứ 2, chia sẻ kiến thức với người xung quanh.
Mình còn có thói quen chia sẻ những bài viết giải thích trên Facebook. Việc chia sẻ này giúp mình cảm thấy bớt cô đơn. Mình luôn cảm thấy ấm lòng khi nhận được những lời động viên của bạn bè.
Không chỉ vậy, viết trên mạng còn giúp mình suy nghĩ thấu đáo hơn. Khi viết những ghi chú cá nhân, mình sẽ chỉ viết vừa đủ cho mình hiểu. Nhưng khi viết trên mạng, mình có một áp lực lành mạnh là phải trình bày ý tưởng một cách rõ ràng.
Và một điều đáng quý nữa đó là việc viết online giúp mình tìm được những người bạn có chung lý tưởng. Khi nhận được phản hồi của bạn đọc, nó giúp cho quan điểm của mình bớt phiến diện khi mình lắng nghe góp ý của người khác. Ví dụ bài viết chia sẻ về lựa chọn nền tảng ghi chú nhận được 57 lượt bình luận. Mọi người đưa thêm những những góc nhìn và quan điểm bổ sung cho bài viết của mình.
Đồng hành với mình trong thử thách học trong 30 ngày
Để tiếp tục niềm hành trình xây dựng tri thức cá nhân, trong học kỳ tới, mình sẽ tiếp tục duy trì thói quen viết các bài viết giải thích hằng ngày để cô đọng kiến thức. Bạn có thể theo dõi hành trình học tập của mình trên Facebook cá nhân, hoặc trên Notion của mình.
Và mình rất muốn mời bạn tham gia hành trình này (tại học một mình cô đơn lắm 😄). Bạn có thể tham gia bằng cách nhắn tin với mình trên Facebook cá nhân và gửi các bài giải thích của bạn. Bạn cũng có thể tags chữ #HocCachHoc (học cách học) để mình có thể tìm bài viết của bạn trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Instagram & Tiktok) dễ dàng hơn.
Mình rất mong tìm được người đồng hành với mình trên hành trình học tập này.
Mình sẽ đợi ở đây và mong nhận được hồi âm từ bạn
Hoàng Long.
Học cách học cùng Long
Hiện tại, mình đang cộng tác cùng MỞ - Mơ và Hỏi để xây dựng khóa học về “Ghi chú để hiểu Sâu” - thời gian cho khóa học video và khóa học online trực tiếp vào 3/2024. Bạn có thể đăng ký Waitlist ở đây, chúng mình sẽ gửi email cho bạn về cập nhật về khóa học này trong thời gian sớm nhất.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Duy Cần (1961), Tôi tự học
Tofade, T., Elsner, J., & Haines, S. T. (2013). Best Practice Strategies for Effective Use of Questions as a Teaching Tool. In American Journal of Pharmaceutical Education (Vol. 77, Issue 7, p. 155). Elsevier BV. https://doi.org/10.5688/ajpe777155
Ausubel, 1968, Educational Psychology: A Cognitive View
Novak, J.D. (2014). Ausubelian Theory of Learning. In: Gunstone, R. (eds) Encyclopedia of Science Education, Springer, Dordrecht.
Novak JD (2010) Learning, creating, and using knowledge: concept maps as facilitative tools in schools and corporations, 2nd edn. Routledge, Taylor-Francis, New York
Mới cách đây hai hôm, em đọc liền hơn 40 trang sách và bị đơ người trước nội dung mình ghi chép lại. Sau đó buổi tối em ko dám ngồi để cô đọng lại kiến thức luôn ạ vì nhiều và có rất nhiều thuật ngữ chuyên môn.
Mãi đến sáng hôm sau mới định thần lại để chia nhỏ nội dung cần tổng kết ra, sau đó em có làm nhưng cảm thấy có nhiều thông tin mình chỉ lướt qua.
Không biết là a thường xác định khối lượng thông tin và thời gian đọc bằng cách nào để hiệu quả và phù hợp với bản thân ạ?