Mình có câu hỏi dành cho bạn:
Bạn bè cũng đã hỏi mình câu này vào năm nhất đại học tại Fulbright. Lúc đó mình không biết trả lời sao vì mình đã học quá nhiều kiến thức trên trường. Mọi thứ đều trở nên choáng ngợp và lộn xộn. Mình bỏ cuộc. Vài tuần sau mình học một môn mới, tất cả những gì mình đã học rồi cũng đi vào quên lãng. Ngoài ra, mình học để thi cử và bài kiểm tra. Nhưng khi việc học chỉ gói gọn ở điểm số, sau khi nhận được kết quả thi, việc học dường như kết thúc.
Dù bạn có điểm cao trên lớp, hay đọc được nhiều kiến thức thú vị, nhưng học cho nhiều mà đầu óc vẫn trống rỗng là quả là một sự lãng phí tiền bạc và thời gian. Học giả Nguyễn Duy Cần có viết như sau:
Hạng người "ngụy bác học" hay "ngụy trí thức" lại cũng là nạn nhân của vấn đề nan giải trên đây: cái học thì vô cùng mà thời gian thì có hạn. Họ không chịu dốt, nhưng họ cũng không có đủ can đảm làm nhà chuyên môn. Họ là những hạng người "dở dở ương ương": cái gì cũng biết, nhưng biết không có cái gì thực biết. Đấy cũng là lối học ở nhà trường để đào tạo một hạng người "bác học nửa mùa". Sách gì họ cũng đọc...nhưng mà họ chỉ đọc phớt qua như con bướm giỡn hoa.
- Nguyễn Duy Cần - Tôi Tự Học
Lý do của việc này đến từ cả thầy và trò không biết cách cô đọng, lưu lại, hệ thống hóa và tái sử dụng lại những gì đã học. Đây cũng là khó khăn trong 2 năm qua mà mình phải đối mặt. Vì vậy, mình đã tự nghiên cứu để xây dựng cách học và quản lý kiến thức.
Học cho bản thân mình
Trong 2 năm vừa qua, mình đã vẽ hơn 1000 hình minh họa, kèm theo đọc các bài nghiên cứu để tìm cách học, cách ghi chú để xây dựng kiến thức. Hệ thống ghi chú của mình với hơn 6500 ghi chú trên phần mềm ghi chú mạng lưới (networked note - Obsidian & Logseq), nơi mình có thể kết nối và tái sử dụng lại kiến thức đã học.
Vì vậy, Long muốn chia sẻ những kinh nghiệm này để giúp bạn xây dựng nền tảng kiến thức cho bản thân. Bạn sẽ có một thư viện kiến thức lâu dài - một bằng chứng cụ thể về hành trình phát triển tri thức. Hệ thống này cũng giúp bạn quản lý và tái sử dụng lại những gì mình học.
Hiện tại, mình đang cộng tác cùng MỞ - Mơ và Hỏi để xây dựng khóa học về “Ghi chú để hiểu Sâu” - thời gian cho khóa học video vào tháng 1/2024 và khóa học online trực tiếp với Long vào 3/2024. Bạn có thể đăng ký Waitlist ở đây, chúng mình sẽ gửi email cho bạn về cập nhật về khóa học này trong thời gian sớm nhất.
Để bắt đầu hành trình xây dựng tri thức cho bản thân, mình sẽ giới thiệu về nền tảng về khoa học nhận thức liên quan đến việc học để hiểu cách chúng ta học và ghi nhớ thông tin.
Học là gì?
Học là sự thay đổi nhận thức (conceptual change).
Việc học là quá trình thay đổi nhận thức (conceptual change), thái độ (mindset change) và hành vi (behavior change). Trong giới hạn của bài viết này, mình sẽ tập trung vào chia sẻ về thay đổi nhận thức (conceptual change), vì nó liên quan đến quá trình làm việc với kiến thức. Đầu tiên, mình sẽ giới thiệu về semantic memory (bộ nhớ ngữ nghĩa). Đây là cách chúng ta liên kết thông tin và hiểu về thế giới.
Semantic memory - cách chúng ta lưu trữ thông tin và hiểu về thế giới
Khi chúng ta học, chúng ta xử lý thông tin ở bộ nhớ làm việc (working memory) và sau đó lưu lại bộ nhớ lâu dài (long-term memory) . Các nhà nghiên cứu cho rằng, bộ nhớ lâu dài (long-term memory) có nhiều loại bộ nhớ khác nhau, trong đó bộ nhớ lưu trữ kiến thức về thế giới có tên là bộ nhớ ngữ nghĩa (semantic memory) [1].
Bộ nhớ ngữ nghĩa (semantic memory) được tạo ra bởi những khái niệm (concept) và sự liên kết giữa các khái niệm (connection), qua đó chúng ta hình thành nên kết cấu kiến thức (knowledge structure). Sự thay đổi kiến thức (conceptual change) là cách mà chúng ta đang phát triển kết cấu kiến thức này.
Một người chuyên gia sẽ có số lượng khái niệm và sự liên kết giữa các khái niệm chặt chẽ và chính xác hơn so với một người mới học. Một bác sĩ chuyên ngành tim sẽ có số lượng khái niệm, và sự liên kết (tính logic) giữa các khái niệm nhiều hơn so với người mới học [2], [3].
Đánh giá sự thay đổi nhận thức
Việc phát triển kết cấu của kiến thức là một thứ trừu tượng. Để dễ hình dung về quá trình này, nhà nghiên cứu Joseph D. Novak đã dùng bản đồ khái niệm (concept map) để hình ảnh hóa kết cấu nhận thức. Vào năm 1991, ông đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 12 năm. Ông đã phỏng vấn cùng một nhóm học sinh về hiểu biết của các em về vật lý, vào năm lớp 2 và sau đó 10 năm - năm lớp 12. Ông chuyển transcript (bản phiên âm) những buổi phỏng vấn này thành bản đồ khái niệm (Concept map) để hình ảnh hóa kết cấu kiến thức của học sinh. Qua đó, ông đánh giá sự thay đổi nhận thức của trẻ và xác định được những hiểu biết logic hay những nhận định sai lầm về kiến thức mà học sinh đã có về môn học [4].
Hình dưới đây cho thấy sự phát triển về mặt nhận thức (conceptual change) thông qua việc đánh giá kết cấu kiến thức - được hình hình ảnh hóa bằng Concept Map của bạn học sinh có tên là Amy.
Trong nghiên cứu này, ông cũng so sánh hai học sinh có cùng điểm trung bình môn, nhưng có bối cảnh học tập khác nhau.
Paul ít học các môn khoa học so với Phil. Phil, được nghe bài giảng hướng dẫn về khoa học khi bắt đầu làm thử nghiệm vào lớp 2. Vào cấp 2, cấp 3, Phil cũng được học môn vật lý trên trường. Còn Paul, không được nghe bài giảng hướng dẫn vào năm lớp 2 cũng như không được học môn vật lý vào cấp 2 và cấp 3.
Tuy nhiên, đến năm lớp 12, dù Paul không được học nhiều bằng Phil nhưng kết cấu kiến thức (số lượng, tính chính xác của liên kết) của Paul tốt hơn Phil. Phil vẫn giữ một số hiểu lầm từ năm lớp 2 và hiểu sai kiến thức mới học.
Nhà nghiên cứu cho rằng, Paul dù học ít hơn, nhưng chịu khó tư duy và suy nghĩ hơn, nên kết cấu kiến thức của Paul sẽ hoàn thiện hơn của Phil. Phil dù học nhiều hơn, nhưng bạn không tạo được kết cấu kiến thức vững chắc khi không kết nối được kiến thức mới với những gì mình đã học. Bạn cũng như là không đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa các khái niệm nên sự liên kết giữa các khái niệm còn lỏng lẻo, khiến bạn vẫn giữ một số hiểu lầm từ năm lớp 2. Phil là một minh chứng cho việc học vẹt.
Hình dưới đây, mô tả bản đồ khái niệm của Phil và Paul lớp 12, bạn có thể đọc thêm chi tiết về kết quả nghiên cứu tại đây, link. Và đọc thêm việc học ý nghĩa (Ausubel’s meaningful learning) tại link.
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, 1992), “tri thức” có nghĩa là “những điều hiểu biết có hệ thống về sự vật, hiện tượng tự nhiên hoặc xã hội. Để làm việc này, chúng ta cần xây dựng một kết cấu kiến thức vững chắc thông qua hai bước:
Xây dựng những khái niệm cụ thể và có căn cứ (concept).
Xây dựng kết nối giữa các khái niệm một cách logic (connection).
Qua hai cách này, chúng ta có thể xây dựng được mạng lưới ngữ nghĩa (semantic memory) một cách rõ ràng. Ngoài ra, khi bạn có nhiều liên kết giữa các mảnh kiến thức, bạn có thể truy cập và nhớ lại thông tin dễ dàng hơn [5].
Vai trò của việc xây dựng nền tảng kiến thức trong việc học
Việc tập trung xây dựng kết cấu kiến thức mang lại một cách tiếp cận tổng quan và lâu dài hơn so với việc học để trả điểm. Đôi khi bài kiểm tra được thiết kế không tốt, nó chỉ giúp bạn đánh giả một lượng nhỏ kiến thức rời rạc (bài kiểm tra trắc nghiệm) - hoặc đánh giá một nhánh nhỏ của kiến thức (bài kiểm tra tự luận). Còn hệ thống kiến thức giúp bạn hệ thống hóa và quản lý toàn bộ tri thức của bạn về chủ đề đang học.
Trong các bài viết tiếp theo, mình sẽ chia sẻ những thực hành ghi chú để hiểu sâu. Mình sẽ chia sẻ những thực hành sau:
Phản tư để xác định tâm thế khi học, và nội dung bạn muốn học để hiểu sâu.
Tự giải thích để gạn lọc và kiểm chứng những gì bạn đã biết.
Ghi chú khái niệm (concept note) để khái quát và cụ thể hóa những kiến thức.
Bản đồ khái niệm (concept map) để có thể tổ chức và liên kết thông tin.
Ghi chú mạng lưới (networked note) để quản lý và tìm kiếm thông tin.
Bài giải thích tổng quan (long-form) để diễn giải và chia sẻ hiểu biết của mình với người khác.
Bạn có thể đọc trước các bài viết trên Facebook của mình về các thực hành ghi chú này qua danh sách tổng hợp sau: Link.
Hệ thống kiến thức cá nhân có tiềm năng giúp cho bạn có thể động lực nội tại (internal motivation) vì bạn đang học để xây dựng sự hiểu biết của riêng mình. Ngoài ra, nó cũng mang đến cho bạn một hướng dẫn cụ thể biết cách học để hiểu sâu. Và quan trọng hơn hết, nó là bằng chứng của bạn việc bạn đã thực sự học, và hiểu kiến thức.
Hẹn bạn trong những bài viết tiếp theo của chuỗi bài này. Và nếu bạn quan tâm, bạn có thể đăng ký khóa học về ghi chú để hiểu sâu của mình với MỞ - Mơ và Hỏi tại đây nhé: