Chào năm mới!
Chúc bạn một năm mới mạnh khỏe, bình an và luôn tìm thấy niềm vui học tập. Bài viết đầu tiên của năm con Rồng, Long xin phép chia sẻ những khía cạnh khác nhau của ghi chú và tác động của nó tới sự nhận thức của con người.
I. Con người - bộ máy quên lãng
Năm 1885, Hermann Ebbinghaus đã thực hiện một nghiên cứu để hiểu sự quên của con người. Ông đã cố gắng ghi nhớ hàng ngàn từ vô nghĩa và ghi lại mức độ quên theo thời gian. Từ thí nghiệm này, ông phát hiện ra "Đường cong quên lãng" - xu hướng quên nhanh chóng sau 24 giờ học đầu tiên.
Thực ra, việc quên không phải là một thứ tiêu cực. Theo Quiroga (2017) & Carey (2015), việc quên giúp ta loại bỏ những thông tin không cần thiết để nhớ các thông tin quan trọng trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng biết sự hữu dụng của thông tin cho đến khi có bối cảnh hợp lý. Vì vậy, để truy cập thông tin khi cần thiết, loài người đã phát minh ra chữ viết và các công cụ để lưu trữ thông tin.
II. Ghi chú giúp mở rộng tâm trí con người
2.1 Công cụ giúp mở rộng nhận thức
“Where does the mind stop and the rest of the world begin?” tạm dịch: “Đâu là ranh giới giữa tâm trí và thế giới?”. Đó là câu hỏi mở đầu trong bài viết “Tâm trí Mở rộng - The Extended Mind" của Andy Clark và David Chalmers (1998). Các nhà nghiên cứu đề xuất "Luận điểm về Tâm trí Mở rộng - The Extended Mind thesis". Họ cho rằng tâm trí được mở rộng thông qua các công cụ mà chúng ta sử dụng. Tâm trí và công cụ có mối quan hệ mật thiết với nhau.
2.2 Công cụ hỗ trợ quá trình nhận thức
Ghi chú giúp cho người học ghi chép lại thông tin, qua đó chúng ta có thể truy cập và tái sử dụng kiến thức lâu dài. Cùng với đó, nó cũng giúp tổ chức suy nghĩ bằng các hoạt động ghi chú như: viết giải thích, highlight, tóm tắt, vẽ biểu đồ... Các nhà nghiên cứu đã lý thuyết hóa hai vai trò của ghi chú là: (1) encoding hypothesis - ghi chú để xử lý thông tin, (2) external storage hypothesis - ghi chú để lưu trữ thông tin (Slavina, 2018).
2.2.1 Encoding hypothesis
Đầu tiên, quá trình viết giúp ta xử lý thông tin sâu hơn so với việc tiếp thu thông tin thụ động (Piolat và cộng sự, 2005). Tương tự vậy, việc vẽ bản đồ khái niệm (concept map) - vẽ mối liên hệ giữa các khái niệm trên giấy giúp tổ chức và kết nối thông tin thông tin bên trong (Novak, 2006). Ngoài ra, các thực hành ghi chú khác cũng tác động đến quá trình nhận thức (xem thêm phần reference).
Theo mình, những thực hành ghi chú giúp người học tương tác với các biểu tượng và hình khối (ngôn ngữ & hình vẽ ) trên một nền tảng có thể tương tác và biến đổi thông tin linh hoạt (giấy, máy tính, máy tính bảng). Những hành động vật lý này giúp người học xử lý, kết nối và tổ chức suy nghĩ và tư duy bên trong của mình.
2.2.2 External-storage hypothesis
Ghi chú giúp con người lưu trữ thông tin thông qua việc tạo ra một bản ghi để sử dụng lại trong tương lai (Slavina, 2018). Trong bối cảnh học tập, Bui (2013) đã thực hiện một nghiên cứu so sánh giữa người ghi chú bằng tay và ghi chú bằng máy tính. Người ghi chú trên máy tính thường lưu trữ được nhiều thông tin hơn vì tốc độ đánh máy cao hơn. Nhà nghiên cứu cho rằng, việc viết trên máy tính mang đến lợi thế về mặt lưu trữ thông tin. Nhà nghiên cứu thực hiện bài kiểm tra sau 24 giờ, người học được mở lại ghi chú của mình. Những học sinh sử dụng máy tính có kết quả tốt hơn vì họ có nhiều thông tin để ôn tập hơn khi xem lại.
2.2.3 Công cụ thay đổi quá trình nhận thức
Điều thú vị về việc sử dụng công nghệ để lưu trữ thông tin là chúng ta dần lệ thuộc vào nó để nhớ thông tin. Một trường hợp gần gũi nhất đó là việc nhớ số điện thoại. Số điện thoại là thứ mà chúng ta hoàn toàn có thể thuộc lòng. Tuy nhiên, di động là một bộ nhớ ngoài để lưu số điện thoại mà chúng ta có thể truy cập ngay lập tức. Điều này dẫn đến việc chúng ta không nhớ cụ thể số điện thoại mà chỉ cần biết cách truy cập truy cập thông tin - ví dụ như gõ tên của người mình gọi điện.
Theo Sparrow và cộng sự (2011), công nghệ thông tin khiến người dùng thay đổi ưu tiên khi xử lý thông tin. Công nghệ khiến ta chú ý đến việc nhớ nơi lưu trữ thông tin hơn là nội dung thông tin đó. Tương tự vậy, nghiên cứu của Fisher, Goddu, & Keil, (2015) cho thấy việc truy cập thông tin trên internet cung cấp một cách truy cập thông tin nhanh chóng, nhưng cùng lúc đó giảm sự tự tin về kiến thức mà người dùng thực sự có.
III. Cognitive Offloading - công cụ để giảm tải nhận thức
3.1 Cognitive Offloading
Ngoài lý thuyết về “The Extended Mind thesis” thì còn có một lý thuyết tâm lý học liên quan là “Cognitive Offloading - sử dụng công cụ để giảm tải nhận thức.” Cognitive Offloading cũng có mối quan hệ gần gũi với “External-storage hypothesis”. Việc lưu trữ thông tin trong ghi chú làm giảm gánh nặng nhận thức khi ta đỡ phải nhớ thông tin.
Sự giảm tải về mặt nhận thức là việc sử dụng dụng công cụ hoặc chuyển động cơ thể để giảm thiểu gánh nặng nhận thức (Risko & Gilbert, 2016). Một số ví dụ hằng ngày như sau: bạn nghiêng đầu để nhìn một hình ảnh bị xoay, hoặc đã cài đặt điện thoại thông minh để nhắc nhở về cuộc hẹn sắp tới, hoặc ghi chép lại thông tin cần nhớ để không quên. Lý do của việc giảm tải nhận thức này vì con người không thể xử lý quá nhiều thông tin trong cùng một lúc. Nếu chúng ta bị quá tải, thì việc xử lý thông tin sẽ không còn hiệu quả.
3.2 Ví dụ về Cognitive Offloading
Bạn hãy tưởng tượng bạn là một người phục vụ bàn. Khi khách đến gọi đồ, bạn có hai sự lựa chọn (1) ghi nhớ các đồ ăn trong não hoặc ghi lại thông tin ra giấy và (2) khi khách hàng ăn xong thì bạn có thể tính nhẩm trong đầu, hoặc dùng máy tính để tính.
Với một cửa hàng có ít món, và vắng khách, ví dụ như quán hủ tiếu gõ đầu đường, bạn có thể nhớ đơn của khách, thậm chí là nhớ mặt từng khách và món ăn quen thuộc mà họ hay gọi. Tuy nhiên, nếu nhà hàng của bạn có một trăm khách, não bạn sẽ không nhớ tất cả order của khách, cũng như sẽ không thể tính toán tiền ăn một cách chính xác. Lúc này, việc dùng máy tính để tính tiền và viết đơn order ra giấy là một cách để giảm thiểu sai sót và vận hành trơn tru trong nhà hàng. Lúc này, công cụ trở thành một trợ thủ đắc lực để giảm tải nhận thức.
Điều này liên quan mật thiết đến việc học. Với việc học hằng ngày của mình, mình đọc rất nhiều bài nghiên cứu để viết giải thích về tâm lý học giáo dục. Hệ thống ghi chú giúp mình tìm kiếm mọi thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình học tập. Mình không thể nhớ từng câu, từng chữ của các tác giả mà mình đã đọc. Mình có bộ nhớ mở rộng bằng máy tính - mình chỉ cần nhớ từ khóa để truy cập lại đoạn quote của tác giả.
Trong một trường hợp khác, khi nghe giảng vào năm nhất đại học, kiến thức rất khó mà mình chưa nghe rõ tiếng Anh. Mình đã sử dụng phần mềm transcript để biến lời nói của thầy thành văn bản và highlight những đoạn quan trọng. Việc này giúp mình bớt đi gánh nặng phải xử lý thông tin khi nghe giảng. Mình có thể đánh dấu lại những đoạn chưa hiểu để sau lớp ôn tập lại sau.
3.3 Nghiên cứu thực nghiệm về The Extended Mind thesis & Cognitive Offloading
Suu khi đề xuất lý thuyết tổng quan về “The Extended Mind thesi”, Andy Clark đã hệ thống hóa các nguyên tắc của mình trong cuốn sách "Supersizing the Mind" (2008), nơi ông đề xuất lý thuyết về Cognitive Impartiality (Sự Không Thiên Vị Nhận Thức). Lý thuyết này cho rằng tâm trí của chúng ta luôn quan tâm đến chi phí nhận thức - nó sẽ chọn bất kỳ cách truy cập thông tin nào ít tốn kém về mặt nhận thức, không thiên vị thông tin ta nhớ trong đầu hay là lưu trữ bên ngoài.
Nghiên cứu của Ballard (1997) cung cấp thêm bằng chứng cho giả thuyết này:
Trong nghiên cứu của Ballard, người tham gia được yêu cầu tái tạo một mô hình (Model) các khối bằng cách di chuyển các khối hình từ khu vực "Resource" đến khu vực "Workspace". Sau đó, họ theo dõi cách người tham gia giải quyết nhiệm vụ bằng việc theo dõi chuyển động mắt. Họ phát hiện rằng người tham gia sử dụng chiến lược ghi nhớ tối thiểu để giải quyết vấn đề bằng cách nhìn vào mô hình (Model) để so sánh và tìm miếng ghép phù hợp trong không gian làm việc (Workspace).
Kết quả nghiên cứu cho thấy chiến lược MPMD (nhìn từ phần Resource đến Model trước khi nhìn vào Workspace - chiến thuật dùng phần Model là một bộ nhớ ngoài để đỡ phải nhớ thông tin) được sử dụng nhiều gấp đôi so với chiến lược PD (nhìn thẳng từ Resource đến Workspace - cách phải dựa vào trí nhớ để tìm miếng ghép phù hợp).
Từ nghiên cứu này ta có thể thấy, ngay cả với những thông tin đơn giản, não của chúng ta có xu hướng sử dụng các chiến lược ghi nhớ tối thiểu để giải quyết vấn đề. Việc lưu thông tin bên ngoài giúp chúng ta giảm tải nhận thức.
IV. Khi nào bạn nên chủ động xử lý và ghi nhớ thông tin, và khi nào thì để máy tính nhớ?
Với sự phát triển của công nghệ, máy tính giúp lưu trữ thông tin và các mô hình ngôn ngữ lớn như Chat GPT giúp xử lý thông tin. Việc đưa ra quyết định khi nào bạn tự xử lý và nhớ thông tin còn khi nào bảo máy tính làm hộ có thể là một quyết định phức tạp. Một cách để đưa ra quyết định là đánh giá công việc cần làm có khiến bạn quá tải nhận thức hay không. Khi quả tải, bạn có thể sử dụng máy tính để giảm tải về mặt nhận thức.
Một số nghiên cứu sau đây cũng chia sẻ về việc chọn lựa sử dụng công cụ một cách hợp lý. Theo nghiên cứu của Pyke & LeFevre (2011), việc không sử dụng máy tính khi làm toán mà tính nhẩm trong đầu cho thấy kết quả học môn toán tốt hơn. Tuy nhiên, theo Leng (2011), khi việc cần làm quá phức tạp để bạn tự tính nhẩm, thì việc sử dụng máy tính có lợi thế trong việc giúp học sinh tập trung vào việc hiểu khái niệm, ý tưởng lớn của môn toán , thay vì sử dụng toàn bộ tâm trí để xử thông tin. Vì vậy, theo Slavina (2018), những tác vụ nào mà không quá khó thì bạn nên thực hiện bằng não của mình, tuy nhiên với những công việc quá phức tạp, thì bạn có thể sử dụng công cụ để hỗ trợ giảm tải về mặt nhận thức.
Áp dụng trong việc học
Ví dụ như so sánh giữa việc tự bạn chọn lựa và tóm tắt một văn bản và bảo Chat GPT tóm tắt văn bản, dù kết quả về đầu ra như nhau - bạn đều có văn bản đã được tóm tắt. Nhưng kết quả học tập lại khác nhau, khi bạn tự tóm tắt, bạn sẽ học và hiểu kiến thức nhiều hơn so với chỉ đọc tóm tắt của Chat GPT. Tuy nhiên, với một văn bản chuyên ngành mà bạn đọc mãi không hiểu, việc đọc bản tóm tắt và giải thích một cách dễ hiểu của Chat GPT có tiềm năng giúp bạn giảm tải về mặt nhận thức, giúp kiến thức dễ tiếp thu hơn.
Áp dụng trong đời sống
Mình nghĩ, với một số thông tin ý nghĩa với bạn mà không quá tốn công động não thì nên dành thời gian để nhớ chúng. Ví dụ là số điện thoại của người yêu và người thân trong gia đình, việc tự mình nhớ chúng thể hiện sự quan tâm đến người mình thương. Hay lời một bài bạn ý nghĩa với bạn, bạn luôn có thể tra google nhưng việc học thuộc lòng lời bài hát để khi yêu đời có thể ngân nga khiến đời sống của bạn thi vị hơn.
V. Vai trò lưu trữ của ghi chú trong việc học
Điều này liên quan đến việc vai trò của ghi chú trong việc học: những thông tin quan trọng của chuyên ngành của bạn thì bạn nên nhớ, còn những thông tin khác nên để máy tính lưu trữ dùm. Việc ghi chép - lưu lại thông tin, sẽ đỡ tốn chi phí về mặt nhận thức. Hệ thống quản lý kiến thức giúp chúng ta tìm kiếm lại mọi tài liệu, video, biểu đồ, hình ảnh mà chúng ta lưu lại.
Toàn bộ tài liệu và ghi chú mình học trong 3 năm học đại học chỉ khoảng ~ 10 gb, bao gồm hơn 6000 trang ghi chú khác nhau và hàng trăm bản vẽ và tài liệu/ bài nghiên cứu mà mình đã đọc. Để mình nhớ tất cả tài liệu này có lẽ sẽ mất cả đời. Nhưng để máy tính lưu lại, thì mình chỉ cần mua một chiếc chiếc USB có dung lượng là 32gb với giá chưa đến 100 nghìn, và mình tải dữ liệu vào USB hết 5 phút và 16s.
Máy tính là một nhà vô địch về trí nhớ và nó hỗ trợ cho việc học vì bạn có thể thể lưu lại và tìm kiếm kiến thức tốt hơn. Tuy nhiên, đơn thuần lưu trữ thông tin không giúp bạn hiểu biết.
Việc học diễn ra khi bạn dành thời gian tiêu hóa thông tin bằng cách tự giải thích theo cách hiểu của mình, kết hợp những gì bạn đã hiểu theo cách riêng để đưa ra những diễn giải riêng của bạn về hiện tượng, sự việc. Phần lớn trong lịch sử loài người, chúng ta không có máy tính, cũng chẳng có phần mềm ghi chú, vì vậy, phần mềm ghi chú không phải cốt lõi của việc học. Việc học, theo một nghĩa rất là cổ điển, bắt đầu bằng thời gian học chú tâm và suy tư về những gì mình đã học.
Kết luận
Trong bài viết này, mình đã đi qua tổng quan một số lý thuyết liên quan đến vai trò của ghi chú với sự nhận thức của con người bao gồm: (1) giúp mở rộng sự nhận thức - the Extended Mind theory, (2) giúp giảm tải nhận thức - cognitive offloading, (3) nói về hai vai trò của ghi chú thông qua: encoding hypothesis - ghi chú để xử lý thông tin,external-storage hypothesis - ghi chú để lưu trữ thông tin. Cùng với đó, mình đưa ra gợi ý về cách đưa ra quyết định về việc sử dụng công cụ để hỗ trợ việc học. Bạn có thể dựa vào việc đánh giá tác vụ có khiến bạn quá tải về mặt nhận thức hay không. Sử dụng công cụ trong những trường hợp này có thể làm giảm tải về mặt nhận thức giúp việc học hiệu quả hơn.
Và cuối cùng, vai trò của ghi chú trong việc lưu trữ thông tin chỉ là một phần của việc học. Ghi chú giúp việc học dễ dàng hơn nhưng không thay thế cho việc học. Việc học vẫn cần thời gian để tự mình hiểu sâu sắc và áp dụng những kiến thức mà mình tiếp thu để đưa ra những quyết định không ngoan.
Hay quá boss!